Làm việc với những nhân viên chống đối
Xử lý nhân viên chống đối luôn là một điều khó khăn cho bất kỳ một nhà quản lý và chủ doanh nghiệp nào. Họ không chỉ làm mất đi lợi nhuận của công ty vì thiếu sự hiệu quả mà còn làm mất đi năng lượng của cả đội ngũ. Đôi khi chính họ sẽ tạo ra sự khó chịu và làm mất đi nhiệt huyết của những người xung quanh.
Qua một thời gian làm việc với nhiều khách hàng khác nhau ở nhiều cấp độ khác nhau, chúng tôi tổng kết được một vài chiến thuật đã từng thành công với nhiều nơi, giúp xử lý nhân viên chống đối hiệu quả và giúp họ thay đổi. Hy vọng có thể giúp mọi người có thêm những góc nhìn mới để xây dựng một đội ngũ hiệu quả hơn.
Trước khi hiểu giải pháp là gì, bạn cần phải biết rằng khi có bất kỳ sự thay đổi nào diễn ra, việc “chống đối” là điều đương nhiên. Đó là phản ứng tự nhiên của con người. Ngay cả chính chúng ta đôi khi cũng chống lại một điều gì đó mà mình cảm thấy không quen mà. Loại bỏ nhân viên chống đối bằng cách cho nghỉ việc là cách đơn giản nhất nhưng đó cũng là cách tệ nhất.
Đầu tiên, hãy lãnh đạo bằng ví dụ
Bạn không thể nào yêu cầu người khác làm một điều gì đó mà chính bạn cũng không làm theo. Hãy lấy chính mình ra làm ví dụ và dẫn dắt người khác bằng chính con người và hành động của mình. Đôi khi có một vài chủ doanh nghiệp than phiền rằng nhân viên của họ không cam kết, sự thực thì tôi hay hỏi là chính anh đã có sự cam kết chưa? Sau khi suy nghĩ một cách nghiêm túc, đa phần câu trả lời là chưa. Bạn phải cho mọi thành viên thấy những hành động của bạn mỗi ngày như thể là một thành viên của nhóm chứ không chỉ là kiểu “chỉ tay năm ngón”. Có phải bạn có nhân viên chống đối vì chính bạn cũng chưa tuân thủ điều mình nói?
Điều thứ hai, là sự minh bạch
Sự minh bạch từ hành động, sự tưởng thưởng cho tới các thông tin hàng ngày sẽ giúp gia tăng niềm tin trong đội ngũ và giúp cho đội ngũ có sự cam kết và gắn kết hơn. Sự minh bạch cũng giúp cho các thành viên cảm thấy rằng mọi hành động của họ sẽ được ghi nhận một cách thích đáng và họ sẽ nỗ lực hơn. Sự minh bạch cũng giúp cho mỗi người thấy được rằng họ đang được tin tưởng, và dĩ nhiên, họ sẽ đáp lại sự tin tưởng đó bằng sự nỗ lực.
Điều thứ ba, xây dựng một văn hóa biết ơn và ghi nhận
Đây luôn là điều đầu tiên tôi làm với mọi tổ chức. Ở ngay tuần đầu tiên, tôi luôn yêu cầu các chủ doanh nghiệp xây dựng một thói quen mới cho tổ chức của mình là sự ghi nhận và biết ơn. Chỉ cần mỗi tuần một thành viên phải ghi nhận và biết ơn một ai đó một cách công khai, sau khoảng 3 đến 4 tuần đầu tiên bầu không khí trong team sẽ khác hẳn. Là một nhà lãnh đạo, KPI quan trọng bậc nhất của bạn là cần phải gửi ít nhất 2 lời cảm ơn đến team của mình mỗi tuần. Hãy thử gửi một lời cảm ơn chân thành tới một nhân viên chống đối của bạn xem thế nào. Tại sao không nhỉ?
Điều thứ 4, hãy nói về tầm nhìn và các mục tiêu chung
Tầm nhìn và các mục tiêu đôi khi không được nói ra một cách đầy đủ, rõ ràng, lặp lại nên chính nhân viên cũng không biết sẽ đi đâu và đi như thế nào. Bạn cần phải chia sẻ với team và thiết lập một mục tiêu chung đủ rõ ràng, một chút thách thức nhưng vẫn nằm trong khả năng có thể đạt được. Với rất nhiều người, khi không biết đi đâu họ sẽ cảm thấy hoang mang và thể hiện ra bên ngoài là sự căng thẳng và chống đối.
Và cuối cùng, hãy linh động
Mỗi người đều có một vấn đề gì đó và là một nhà quản lý, một nhà lãnh đạo, đôi khi bạn cũng cần linh động. Sự linh động không phải vì bạn thiếu nguyên tắc mà vì sự thấu hiểu và thông cảm. Hãy thể hiện điều đó với nhân sự của mình.
Bạn có nhân sự nào như vậy không? Và bạn đã làm gì với họ rồi?
Xem thêm về năng lực lãnh đạo ở đây.
Nếu anh chị cảm thấy những bài viết này là hữu ích và muốn tìm thêm các giải pháp toàn diện cho các vấn đề trong doanh nghiệp của mình, hãy đặt lịch huấn luyện miễn phí 1h tại đâyNgoài ra, xin hãy giúp tôi đánh giá 5* cho bài viết này nhé.